Tìm hiểu gỗ công nghiệp trong thi công nội thất

Gỗ công nghiệp càng ngày càng trở nên phổ biến hơn trong thiết kế, thi công nội thất khi vật liệu gỗ tự nhiên càng ngày càng khan hiếm và ý thức bảo vệ môi trường đang được nâng cao rõ rệt. Số chủng loại gỗ công nghiệp luôn có xu hướng tăng chứ không hề giảm, khi các công ty vật liệu nội thất luôn nghiên cứu cải tiến từng ngày để đưa ra các dòng sản phẩm tốt hơn, giá cả phải chăng hơn. Bài viết này xin đề cập đến một số loại gỗ công nghiệp phổ biến hiện nay.

1. Gỗ MDF (ván sợi)

MDF là loại ván sợi làm từ gỗ hay những nguyên liệu xơ gỗ xenlulô khác, tinh lọc thành sợi gỗ và tái tạo lại với keo được trộn vào trong nguyên liệu ở nhiệt độ cao. MDF có cấu trúc đồng nhất, bề mặt phẳng, trơn, chặt chẽ, không có vệt đen và vân gỗ. Ván MDF chủ yếu sử dụng cây cao su nghiền ra, tẩm sấy và ép lại thành tấm, đây là loại thông dụng để dán tấm ván lạng veneer lên, sản phẩm này có hàng nhập và sản xuất trong nước. Ngoài ra còn có ván HDF cao cấp hơn, cũng sử dụng các chủng loại gỗ tạp và công nghệ sản xuất như tấm MDF nhưng có độ nén ép chặt hơn, gáy tấm ván trông mịn hơn. Ván okal thì sản xuất nhiều ở Việt Nam, sử dụng dăm gỗ tạp và mạt cưa ép thành tấm nhưng xốp chứ không kết chặt như hai loại ván trên.

MDF dễ thao tác trên máy hơn so với gỗ tự nhiên, có thể phủ mặt và sơn gia công tạo hiệu quả trên bề mặt gần giống như bất kì loại ván nào. Ván này có thể cưa và định hình dễ dàng, có thể đóng đinh, ghim, chà nhám và bắt vít gần giống như bất kì sản phầm gỗ tự nhiên nào. Ván này cũng có lí tính và hóa tính phân loại theo cấp độ như gỗ đặc, và trong nhiều trường hợp có thể sử dụng như nguyên liệu thay thế cho gỗ đặc.

2. Gỗ Veneer (ván lạng)

Gỗ veneer chính là gỗ tự nhiên, tuy nhiên được lạng mỏng từ cây gỗ tự nhiên, gỗ veneer chỉ dày từ  1 dem cho đến 2ly. Sau khi được lạng, Gỗ veneer được dán vào các loại cốt gỗ công nghiệp khác nhau như gỗ MDF, gỗ ván dán, gỗ figer, gỗ ván dăm, để làm ra các sản phẩm nội thất. Do lạng từ cây gỗ tự nhiên nên bề mặt gỗ veneer không khác gì gỗ tự nhiên cả.

Ván lạng veneer là một giải pháp để người tiêu dùng vẫn mua được sản phẩm gỗ giá rẻ chỉ bằng khoảng phân nửa so với sản phẩm cùng loại bằng gỗ đặc. Những sản phẩm “gỗ mới” này dùng đóng đồ gỗ hay ứng dụng trong nội thất như ốp tường, trang trí vách ngăn, cửa nẻo…; từ đó diện mạo của chất liệu gỗ vẫn biểu hiện. Và công nghệ dán ép veneer này đã tiên tiến, tạo được sự bền vững như cửa ván ghép dán veneer có thể được bảo hành đến 10 năm. Sản phẩm gỗ dán veneer thường được phủ nhiều lớp PU – sơn trong để bảo vệ; hoặc được phủ lớp UV – sơn trong nhưng không bóng như PU, hạn chế trầy xước tốt.

3. Gỗ Melamine

Tấm Melamine MDF là gỗ MDF được phủ mặt lớp Melamine, trong đó Melamine là một loại nhựa tổng hợp được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp khác nhau. Khi MDF được phủ lớp Melamine tấm gỗ trở lên bền hơn và ứng dụng đa dạng hơn trong nội thất với bề mặt đa dạng và giống vân gỗ tự nhiên.

4. Gỗ Acrylic

Gỗ Acrylic là sản phẩm gỗ công nghiệp, bề mặt phủ lớp nhựa Acrylic bóng gương. Đây là loại vật liệu rất đẹp, bóng, sang trọng, bề mặt tấm gỗ có nhiều loại hoa văn khác nhau trong thi công nội thất.

5. Tấm Laminate

Vật liệu Laminate được chế biến theo công nghệ HPL (High Pressure Laminate), bao gồm 3 lớp đế chủ yếu là bột giấy được ép tuần hoàn ở chế độ cao (300kg/cm2 và nhiệt độ 125 độ). Trên bề mặt có 2 lớp, một lớp tạo mỹ thuật bằng kỹ thuật in và một lớp melamin resin bảo vệ bề mặt. Tiêu chuẩn thông thường một tấm có kích thước 1,220 x 2,440 mm bề dày 0,8 mm, Sản phẩm có nhiểu loại: bề mặt mờ (matt), mịn (satin), mặt gỗ tự nhiên, mặt thuỷ tinh…

Với tiêu chuẩn kỹ thuật trên, tấm Laminate có tính chịu lực cao, không thấm nước. Màu sắc đồng đều và có thể uốn cong cho các yêu cầu của nội thất, tính uốn cong này giúp cho các bo góc lượn tròn rất tiện dụng trong thi công. Đây là một điểm vượt trội mà ít loại sản phẩm nào có được. Các ưu điểm trên chỉ là các tiêu chuẩn kỹ thuật cơ bản cho loại laminate thông dụng. Ngoài ra còn có sản phẩm chuyên dụng có những đặc điểm kỹ thuật riêng cho từng loại.

6. Gỗ ghép

Một vật liệu nội thất khác có tính đột phá là gỗ ghép. Gỗ ghép tận thu tốt gỗ vụn thải ra trong quá trình chế biến gỗ tự nhiên, làm cho giá thành rẻ mà vẫn bền chắc như gỗ đặc. Những mảnh gỗ vụn, gỗ tạp nhỏ có thể ghép thành những tấm gỗ, đố gỗ bằng keo và thiết bị máy móc chuyên dụng. Và độ bền chắc không thua kém một tấm ván hay đố gỗ đặc cưa ra từ trong cây tự nhiên. Khi trên bề mặt ván ghép được dán lớp veneer thì diện mạo cũng như chất lượng của nó tương đương tấm, đố gỗ đặc. Từ đó, việc ứng dụng nó đa dạng hơn để đóng đồ gỗ nội thất cũng như cửa nẻo, trang trí trong xây dựng. Ngoài ra, gỗ ghép dán veneer rẻ hơn gỗ đặc tự nhiên đến 40%. Dù ghép từ gỗ tạp vụn nhưng đã qua tẩm sấy chuẩn mực nên không bị cong vênh, mối mọt trong quá trình sử dụng.

Nét đẹp ấm áp, sang trọng, thân thuộc đặc trưng của gỗ khiến thị trường còn hàng loạt các chất liệu khác “phóng tác” dựa trên sắc màu và vân của gỗ như gạch gỗ (ceramic, granite), gạch nhựa gỗ, tranh gỗ bằng foam (xốp), giấy dán gỗ, thảm nhựa gỗ… Sự ưa chuộng vẻ đẹp của gỗ giúp những mặt hàng này trở nên ăn khách hơn trong ngành thiết kế, thi công nội thất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.