Trong giai đoạn 2011 – 2015, thành phố Hà Nội đặt chỉ tiêu xây dựng khoảng 3,5 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó có 540 nghìn m2 nhà ở cho sinh viên; 1,6 triệu m2 nhà cho công nhân và từ 1,1 đến 1,5 triệu m2 nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên đến thời điểm này, nhiều dự án bị chậm tiến độ.
Nhiều dự án “lỡ hẹn”
Hiện nay trên địa bàn thành phố đang triển khai xây dựng mười dự án nhà ở cho sinh viên. Khi hoàn thành, các dự án sẽ đáp ứng chỗ ở cho gần 44 nghìn sinh viên. Các dự án được khởi công vào năm 2009, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2011. Nhưng đến nay, mới chỉ có nhà ở cho sinh viên tại Trường đại học Thủy lợi và Cao đẳng Việt Hung đưa vào sử dụng, giải quyết chỗ ở cho gần ba nghìn sinh viên. Tám dự án còn lại đều bị chậm tiến độ, thi công cầm chừng. Thậm chí, một số công trình đang tạm ngừng thi công.
Chúng tôi có mặt tại dự án xây dựng nhà ở cho sinh viên tập trung lớn nhất thành phố nằm trong Khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai), vào một ngày cuối tháng 5. Theo thiết kế, dự án khi hoàn thành sẽ đáp ứng gần 22 nghìn chỗ ở cho sinh viên. Tuy nhiên, “đại công trường” với gần chục tòa nhà cao 19 tầng im ắng, vắng vẻ lạ thường. Hệ thống thang máy phục vụ thi công ngừng hoạt động, máy móc, thiết bị đắp chiếu. Một cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình từ nguồn vốn ngân sách thuộc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, do thiếu vốn, cho nên từ đầu năm 2012 các đơn vị thi công tạm nghỉ. Cả công trường giờ chỉ còn một, hai tốp thợ với khoảng chục công nhân làm các công việc lặt vặt. Vì thế, mặc dù nhà A5, A6 đã hoàn thành phần xây thô và trát ngoài, nhưng vẫn cửa đóng then cài.
Dự án nhà ở cho sinh viên tại khu đô thị Mỹ Ðình II (huyện Từ Liêm), gồm năm đơn nguyên đã bước sang giai đoạn hoàn thiện. Nếu được bố trí đủ vốn, đơn nguyên 1, 2, 5 và phần hạ tầng kỹ thuật ngoài tòa nhà sẽ sớm hoàn thiện và có thể đón sinh viên vào ở trong năm học này. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến khảo sát, không khí thi công trên công trường cũng khá cầm chừng. Ðại diện Sở Xây dựng – chủ đầu tư dự án cho biết, tổng mức đầu tư của hai dự án trên là gần 2.500 tỷ đồng, nhưng đến nay, nguồn vốn ngân sách mới giải ngân được 880 tỷ đồng trên tổng số 1.328 tỷ đồng khối lượng giá trị đã thực hiện. Nhu cầu vốn năm 2012 là gần 1.600 tỷ đồng, trong đó 200 tỷ đồng thanh toán khối lượng công việc đã thực hiện trong năm 2011, nhưng đến nay chưa được giải ngân. Sáu dự án xây dựng còn lại cũng trong tình trạng chậm tiến độ, thi công cầm chừng, “lỡ hẹn” đón sinh viên trong năm học tới.
Việc thi công các dự án nhà ở cho sinh viên chậm trễ ảnh hưởng trực tiếp việc ăn ở, sinh hoạt của sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Nguyễn Thu Thủy, sinh viên Khoa Giáo dục mầm non, Ðại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, từ khi dự án xây dựng nhà ở A12, Trường đại học Sư phạm Hà Nội khởi công, em và rất nhiều sinh viên háo hức chờ đợi. Bởi với mức giá nhà trường cho sinh viên thuê 1,6 triệu đồng cả năm học chỉ tương đương với tiền thuê phòng trọ bên ngoài một tháng. Nhưng với tiến độ thi công các dự án nhà ở như hiện nay, có lẽ sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội phải tiếp tục sống trong những căn nhà trọ chật chội, kém tiện nghi với mức giá cao trong một thời gian dài nữa.
Các dự án nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp có rất ít nhà đầu tư tham gia. Các nhà đầu tư lo ngại cho rằng việc xây nhà cho công nhân thuê giống như “bỏ tiền tỷ, thu tiền lẻ”. Hơn nữa việc thu hồi vốn kéo dài, lãi suất ngân hàng cao, bản thân những người công nhân thuê nhà cũng khó có khả năng chi trả. Vì thế đến nay các nhà đầu tư mới đăng ký xây dựng hơn 530 nghìn m2, đạt 1/3 chỉ tiêu đề ra và rất khó về đích nếu không có các giải pháp đột phá, quyết liệt. Ðại diện Tập đoàn Phú Mỹ, chủ đầu tư dự án nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) cho biết, trong tổng số năm đơn nguyên, đến nay mới có tòa nhà B sáu tầng với hơn 100 phòng đưa vào khai thác. Ðể tiếp tục hoàn thành dự án, tập đoàn đề xuất năm 2012 được vay 180 tỷ đồng, nhưng chưa được giải quyết.
19 dự án nhà ở công nhân tại phường Biên Giang (quận Hà Ðông), cụm công nghiệp Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), Thanh Oai, Thường Tín, Sóc Sơn, Ðông Anh… do chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết, công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất chưa hoàn tất, cho nên chưa biết bao giờ khởi công. Hàng nghìn công nhân khu công nghiệp sẽ tiếp tục phải thuê và sinh sống trong các nhà trọ chật chội, không bảo đảm điều kiện sinh hoạt.
Ðẩy nhanh tiến độ các dự án nhà xã hội
Bên cạnh dự án nhà ở cho sinh viên, công nhân, thành phố Hà Nội đang triển khai 11 dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp với tổng số hơn 12 nghìn căn hộ. Ðến nay, sáu dự án đã hoàn thành, với gần bốn nghìn căn hộ đưa vào sử dụng. Vấn đề là nhà đã xây xong, nhưng chưa đến tay người dân, do giá bán cao, chưa có chính sách hỗ trợ người mua nhà, tiến độ đóng tiền theo tiến độ dự án vượt quá khả năng chi trả của người dân. Vì thế, mặc dù có rất nhiều người lao động thiếu chỗ ở, đủ tiêu chuẩn, nhưng không mua được. Trong khi đó, một số lượng lớn các căn hộ dành cho người thu nhập thấp tồn đọng, như: dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu đô thị mới Ðặng Xá (huyện Gia Lâm) còn 420 căn, tại khu đô thị Sài Ðồng (quận Long Biên) còn 140 căn… chưa có người mua.
Còn tại dự án xây dựng thí điểm nhà ở xã hội cho thuê và cho thuê mua tại Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) gồm 815 căn hộ, việc thu hồi vốn gặp nhiều khó khăn. Giám đốc Công ty quản lý và phát triển nhà Hà Nội Trần Ðức Sơn cho biết, sau khi đóng 20% tiền đợt đầu và dọn đến ở, gần một năm nay, hơn 50 hộ thuộc diện gia đình chính sách vẫn chưa tiếp tục nộp tiền vì lý do cuộc sống quá khó khăn. Chủ đầu tư lo lắng như ngồi trên “đống lửa”, nhưng chưa có phương án giải quyết.
Hiện, không có nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho thuê, thuê mua, trong khi đây là một nội dung quan trọng của chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Lý do được các nhà đầu tư đưa ra là quá trình thu hồi vốn kéo dài (trong khoảng mười năm) và không có nguồn vốn vay ưu đãi, dài hạn. Các nhà ở công nhân triển khai theo hình thức xã hội hóa cũng không được các doanh nghiệp “mặn mà” đầu tư. Một số nhà đầu tư đã đăng ký thực hiện đang tìm cách lảng tránh do gặp khó khăn về vốn, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng cao…
Ðể tháo gỡ các vướng mắc này rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành liên quan. Các đơn vị cần tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho từng dự án nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia, hạ giá thành sản phẩm, tạo điều kiện để có nhiều người dân được hưởng giá trị của nhà ở xã hội.
(ST – Theo Nhân Dân)