Hội nghị quốc tế Tìm hướng xây dựng những thành phố của tương lai.

Ngày 14-5, Hội nghị các thành phố mới khai mạc tại thành phố La Defence ở ngoại ô Paris với sự tham dự của khoảng 700 đại biểu đến từ 60 nước và 110 công ty trên khắp thế giới để thảo luận về phương hướng xây dựng và phát triển các khu đô thị trong thế kỷ 21.

Trong những năm qua, việc di dân từ nông thôn ra thành thị và sự bùng nổ của các khu đô thị mới được coi là một trong những hiện tượng đáng quan tâm nhất trong lịch sử loài người. Theo ước tính, vào năm 2050, có hơn bảy tỷ người sẽ sống ở các khu vực thành thị trên thế giới. Quá trình phát triển này đòi hỏi phải có sự chuyển đổi toàn diện về kinh tế, xã hội và con người. Sự hình thành của các khu đô thị mới có tác động lớn đến các nền kinh tế, sự điều hành của chính phủ và xã hội ở cả các nước đã và đang phát triển.

Kỷ nguyên đô thị mới xuất hiện với nhiều thách thức như nghèo đói, mất cân bằng xã hội và môi trường bị ô nhiễm. Quá trình đô thị hóa không chỉ liên quan tới phát triển bền vững mà còn cả tiến bộ xã hội, ổn định chính trị và điều kiện sống.

Chính vì vậy, Tổ chức các thành phố mới (NCF) quyết định tổ chức hội nghị đầu tiên để lãnh đạo các thành phố, công ty và các viện nghiên cứu gặp gỡ và trao đổi ý kiến cũng như những kinh nghiệm về các vấn đề lên quan đến quá trình phát triển đô thị. Với chủ đề ‟Nghĩ về tương lai, cùng nhau xây dựng″, NCF hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ tập hợp được nhiều ý tưởng và giải pháp hữu hiệu để hợp tác xây dựng một thế giới đô thị tươi đẹp trong tương lai.

Ông John Rossant, Chủ tịch NCF, cho rằng các nước mới chỉ quan tâm tới tác động của quá trình đô thị hóa và vẫn chưa có nhiều công trình nghiên cứu lớn về việc xây dựng các thành phố hoàn hảo cho tương lai.

Ông nhấn mạnh: ‟Chúng ta đang thực sự bước vào thế kỷ đô thị đầu tiên của lịch sử loài người. Thời đại của các thành phố đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của xã hội loài người, của môi trường và của các nền kinh tế. Rất có thể nhiều người sẽ quan tâm tới dự báo rằng vào giữa thế kỷ này, khoảng ba tỷ người sẽ bổ sung vào dân số đô thị, hiện ước tính lên tới 4 tỷ. Sự chuyển đổi lớn như vậy sẽ chủ yếu diễn ra ở những khu vực đang trải qua quá trình đô thị hóa nhanh như châu Á, châu Phi và Trung Đông. Và tất nhiên việc này sẽ tác động đến toàn cầu.

Chính vì vậy, chúng ta cần huy động tất cả các nhân tố để đối phó với những thách thức nảy sinh từ quá trình đô thị hóa, đặc biệt là hành động tích cực từ các chính phủ, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, xã hội và phương tiện truyền thông để tìm ra những hình thức hợp tác mới và từ đó đề ra những phương thức xây dựng và quản lý các thành phố trong tương lai″.

Ông John Rossant bày tỏ sự tin tưởng rằng sự tham gia tích cực của các nhà lãnh đạo và quy hoạch đến từ nhiều nước tại hội nghị đầu tiên này sẽ góp phần xây dựng các thành phố trong tương lai bền vững hơn, năng động hơn và công bằng hơn.

Tại hội nghị, các nhà quy hoạch và xây dựng đô thị cùng đại diện các công ty, viện nghiên cứu về kiến trúc, công nghệ và mỹ thuật nổi tiếng trên thế giới trình bày các tham luận, tập trung vào các vấn đề liên quan đến sự hình thành và mở rộng các khu đô thị, vai trò của công nghệ tiên tiến cũng như tầm nhìn về đô thị trong tương lai.

Giáo sư Stephen Goldsmith đến từ trường ĐH Harvard (Mỹ) cho rằng, để hình thành và mở rộng các khu đô thị hiện đại, ngoài các yêu cầu về quản lý hiệu quả, cần phải có các chính sách hấp dẫn để thu hút các nguồn đầu tư từ bên ngoài. Thí dụ, Paris là một trong những thành phố có diện tích dành cho văn phòng đầu tư-thương mại lớn nhất châu Âu và vẫn tiếp tục xây thêm 10%. Ngoài ra, môi trường và giao thông vẫn là thách thức đối với nhiều khu đô thị nơi có sự hiện đại nhưng còn thiếu sự tiện lợi cho tất cả mọi người dân ở trong thành phố và từ nơi khác đến.

Theo kết quả nghiên cứu của hãng Ericsson, sự hài lòng về cuộc sống đô thị được đánh giá qua các yếu tố liên quan đến môi trường và khả năng tiếp cận mạng lưới xã hội. Hiện nay, người dân thành phố không chỉ quan tâm đến sự phát triển và khả năng đáp ứng của công nghệ thông tin, mà còn cả không gian xã hội như các điểm giải trí, mức độ ô nhiễm và nơi đỗ xe.

Một thành phố được coi là hiện đại trong tương lai không chỉ đạt yêu cầu về kết cấu mà phải có tính thẩm mỹ cao. Ông Gregor Robertson, Thị trưởng thành phố Vancouver (Canada) giới thiệu dự án nghiên cứu xây dựng một khu đô thị sử dụng công nghệ ‟không dây″. Ông nói: ‟Vancouver là một thành phố đi đầu về đổi mới. Chúng tôi đã tính tới khả năng hình thành một khu đô thị mà ở đó người dân được sống trong những ngôi nhà với các thiết bị hiện đại nhưng không cần các đường dây để xem TV, kết nối mạng. Đường phố cũng vậy, không có hệ thống cột dây như bây giờ. Thay vào đó là những cấu trúc công nghệ không dây có tính thẩm mỹ cao″.

Ông cũng khuyến cáo rằng nếu các thành phố không có kế hoạch hành động ngay từ bây giờ, thì đường phố sẽ giống như bức tranh hỗn độn, chắp vá. Ngược lại, các khu đô thị sẽ trở thành những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp và hài hòa nếu các nhà quản lý và xây dựng có phương án quy hoạch phù hợp.

Các đại biểu hy vọng, trong ba ngày diễn ra hội nghị từ 14 đến 16-5, sẽ được tiếp cận các mô hình thành phố tương lai với sự bố trí hoàn thiện về giao thông, điện, nước, cây xanh không chỉ cho thời điểm hiện tại mà còn phù hợp để mở rộng khi cần thiết.

Tổ chức thành phố mới (The New Cities Foundation – NCF) là một diễn đàn toàn cầu phi lợi nhuận có trụ sở ở Paris và các văn phòng đại diện ở Paris, New York và Rio De Janeiro. NCF được hình thành để giúp các nhà quản lý và quy hoạch đô thị trao đổi sáng kiến, ý tưởng và giải pháp đối phó với những thách thức nảy sinh từ quá trình đô thị hóa, đồng thời xây dựng các mô hình cộng đồng phát triển bền vững, sôi động, sáng tạo và công bằng ở cả các nước đã và đang phát triển.

Theo NDĐT
(Sưu tầm)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.