Phân biệt đồ gỗ nội thất tự nhiên

Do chất liệu gỗ quen thuộc, thân thiện trong các không gian sống, nhất là đối với người Việt nên đồ gỗ nội thất luôn là lựa chọn hàng đầu của các gia đình. Chất liệu gỗ tự nhiên đã qua xử lý tẩm sấy, chống mối mọt, cong vênh tạo nên sự bền chắc, dẻo dai, sang trọng cho đồ đạc và những mảng trang trí tường, trần.

Đi sâu vào phân biệt các loại gỗ tự nhiên mới thấy sự phong phú đa dạng của loại vật liệu nội thất này. Với gỗ tự nhiên, mỗi quốc gia có cách riêng để phân chủng loại gỗ như gỗ cứng, gỗ mềm… Tại Việt Nam phân theo nhóm, gỗ nhóm 1, 2 là nhóm gỗ quý, tốt như cẩm lai, giáng hương, gõ, căm xe… và càng về sau 3, 4, 5… là những nhóm gỗ thường hơn. Từ nhóm 6 trở đi thường gọi là gỗ tạp – gỗ xoàng, xấu như gỗ mít, gỗ cây cao su, bạch đàn… Chung quy, phân loại gỗ tự nhiên chủ yếu đều dựa vào lý tính, đặc tính của cây gỗ và cả yếu tố thị trường – sở thích của người tiêu dùng về màu sắc, vân đẹp, ít biến dạng, bền. Phân biệt các loại gỗ tự nhiên cần nhiều kinh nghiệm nhìn màu sắc, vân gỗ, thậm chí cả mùi thơm. Bạn có thể dựa vào bảng màu sau để nhận biết một vài loại gỗ cơ bản.

Màu sắc và vân của các loại gỗ tự nhiên

Đồ gỗ nội thất làm từ gỗ tự nhiên rất phong phú. Với gỗ tốt, phần lõi thường có màu đỏ, vàng, nâu sậm; phần giác lại màu trắng hay vàng nhạt. Để tạo sắc và vân cho tiệp nhau giữa hai phần lõi và giác là công việc của thợ vecni, và nếu bạn không tinh mắt có thể nhầm. Ngay như các chủng loại gỗ thường hay xoàng, không có màu sậm hay vân nhưng qua “công nghệ vẽ” lên bề mặt thì sản phẩm cũng có thể trở thành đồ gỗ tốt. Để phân biệt, người ta thường xem cả mặt trong của sản phẩm.

Phân biệt đồ gỗ nội thất tự nhiên với đồ gỗ nội thất công nghiệp lại là một thách thức khác. Do nguồn gỗ tự nhiên càng ngày càng khan, các loại gỗ “chế biến” trở nên phổ biến hơn: gỗ veneer, MDF, HDF, Okal, gỗ ghép… Cách phân biệt các loại gỗ này  sẽ được đề cập đến ở bài sau.

(ST)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.