Các trường đào tạo kiến trúc ở Việt Nam đã có hơn nửa thế kỷ bề dày truyền thống và kinh nghiệm. Sinh viên Việt Nam đã đạt được nhiều giải thưởng có uy tín trên thế giới. Các kiến trúc sư (KTS) ra trường đã và đang tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước.
Tuy nhiên, phải thừa nhận là bước vào hội nhập, “KTS Việt Nam đã thua ngay trên “sân nhà” vì thiếu tính chuyên nghiệp, chuyên sâu”, còn “đào tạo KTS thì vừa thừa lại vừa thiếu”. Vấn đề nằm ở khâu định hướng, xác định quan điểm, mục tiêu đào tạo để từ đó xây dựng nội dung chương trình, môi trường và phương pháp đào tạo để đạt được kết quả mong muốn. Nghiên cứu cho thấy: không chỉ ở Việt Nam, đào tạo KTS ở các nước cũng đang phải giải quyết những vấn đề chung có tính đặc thù trong bối cảnh phát triển hội nhập đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Bài viết này đề cập một số vấn đề liên quan đến định hướng đào tạo kiến trúc đang được thế giới quan tâm.
Ra trường – người học sẽ làm gì?
Nói chung, phần lớn sinh viên khi nhập học không xác định học nghề kiến trúc để làm gì. Họ chỉ hiểu một cách mơ hồ về sự sáng tạo, sự hấp dẫn và những đóng góp cho xã hội thông qua việc thiết kế các công trình kiến trúc. Những kiến thức thu nhận được sẽ giúp họ tìm được chỗ đứng trong các công ty thiết kế hay mở công ty riêng để hành nghề và không ít người trong số họ mong muốn đến lúc nào đó sẽ trở thành một phần lịch sử huy hoàng của giới kiến trúc. Dù có sự khác biệt trong nội dung và cách truyền thụ nhưng các trường đều có định hướng chung là trang bị kiến thức nghề nghiệp để người học trở thành một KTS có thể chịu trách nhiệm pháp lý về công trình mà mình sẽ được chủ trì thiết kế. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, người được đào tạo kiến trúc lại tham gia vào thị trường nhân lực ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: thiết kế (kiến trúc, nội thất, đồ họa, tạo dáng công nghiệp), quy hoạch (thiết kế đô thị, quy hoạch xây dựng, cảnh quan, môi trường), bảo tồn – trùng tu, quản lý (lập/quản lý dự án, giám sát, thẩm định), thi công, bất động sản (đầu tư, môi giới, quản lý), nghiên cứu – đào tạo (lý luận phê bình, công nghệ kiến trúc, giảng dạy, nghiên cứu), diễn họa (làm mô hình, chụp ảnh kiến trúc, diễn họa kiến trúc), thiết kế đồ họa (trình bày sách, thiết kế mỹ thuật phim trường, thiết kế trang web)… Trong nhiều lĩnh vực lại làm việc theo nhóm, có phân định người đứng đầu – trưởng nhóm và các thành viên đảm nhiệm những phần việc cấp độ khác nhau. Thực tế đó đặt ra một câu hỏi lớn đòi hỏi những người làm công tác đào tạo cần phải trả lời: sinh viên sẽ được trang bị những gì để có thể đáp ứng yêu cầu rất đa dạng của thị trường nhân lực?
Sự thay đổi về mục tiêu và quan điểm đào tạo kiến trúc
Sự thay đổi chóng mặt về công nghệ và xã hội đang diễn ra trên toàn cầu đã đặt ra những thách thức phức tạp đối với đào tạo và hành nghề kiến trúc. Cùng với sự phổ biến của máy tính, một thế hệ mới về nghiên cứu sáng tác kiến trúc đã xuất hiện trong các xưởng thiết kế, khai thác những ứng dụng sáng tạo mà máy tính cho phép, kéo theo sự phát triển của công nghệ và vật liệu. Đô thị hóa toàn cầu, tác động dây chuyền của khủng hoảng kinh tế, thị trường ngầm, thế giới mạng, sự xuống cấp môi trường, cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu và thiên tai, rác thải, tài nguyên nước… là những chủ đề đòi hỏi phải nghiêm túc nhìn nhận lại mục tiêu của thiết kế kiến trúc và đào tạo kiến trúc. Ý tưởng “kiến trúc dành cho 90% còn lại của thế giới”, trong đó chú trọng khả năng ứng dụng thiết kế tại các nước đang phát triển và các khu vực bị thiên tai đã trở thành một trong những chủ đề chính của nhiều cơ sở đào tạo.
Sự phổ biến rộng rãi internet và các ứng dụng đi kèm cũng đã làm thay đổi cơ bản thói quen, sinh hoạt của xã hội nói chung và người học kiến trúc nói riêng. SV có thể thuận tiện truy cập internet để lấy các thông tin – dữ liệu về chương trình đào tạo, bài tập, tin tức, tiếp cận các nguồn tư liệu viết, tư liệu ảnh được số hóa và đăng tải trên mạng. Mô hình làm việc theo nhóm với hệ thống hội thảo trực tuyến, đường truyền tốc độ cao cho phép các đối tác phối hợp hiệu quả. Những thông tin về kiến trúc các vùng miền trên thế giới – trong quá khứ cũng như hiện tại – đều có thể tìm kiếm khá dễ dàng. Vô hình chung, những cuốn sách cũ kỹ bụi bặm trở nên xa vời dần với người học (trừ trường hợp bắt buộc). Các thông tin, kiến thức được trình bày có hệ thống theo biên tập của sách thì nay tồn tại riêng lẻ, độc lập và đòi hỏi người học phải tự sắp xếp, hệ thống hóa. Thói quen tra cứu online khiến người học trở nên thiếu kiên nhẫn và một vấn đề nếu không tìm được câu trả lời từ Google.com sau vài phút sẽ trở thành nan giải! Một điểm nữa là sự thu nhận nhanh và tiện lợi làm cho kiến thức đọng lại rất mơ hồ khi người ta không phải trực tiếp xử lý dữ liệu.
Ngay tại Mỹ, kết quả khảo sát năm 2012 từ 185 hãng thiết kế hàng đầu về mức độ thỏa mãn đối với S/v kiến trúc mới tốt nghiệp cho thấy chỉ có 14% rất thỏa mãn, 32% cho rằng không đáp ứng. Về mức độ nhận thức của sinh viên về công trình, trang thiết bị, vòng đời công trình – có tới 47% đánh giá S/v chưa đáp ứng được yêu cầu. Đã có nhiều thảo luận về trách nhiệm của công tác đào tạo và của giới chuyên môn trong việc trang bị kiến thức và kỹ năng cho người học. Bên cạnh việc tiếp tục phát huy các lợi thế truyền thống từ cá nhân các giảng viên, triết lý đào tạo, hệ thống cơ sở vật chất,.. các trường hiện nay đang đẩy mạnh sự gắn kết với thực tiễn thông qua việc mời các KTS đang hành nghề tham gia giảng dạy. Tuy nhiên, vai trò của nhà trường là đào tạo những người có khả năng suy nghĩ phân tích, trang bị cho họ sự nhạy bén và kỹ năng để giải quyết các vấn đề đặt ra theo phương pháp tư duy sáng tạo. Một KTS được nhận bằng tốt nghiệp sẽ phải thành thạo một số kỹ năng nhất định (chứ không chỉ là kiến thức về công nghệ – kỹ thuật) để có thể tham gia đóng góp trực tiếp cho lực lượng thiết kế kiến trúc. Giới chuyên môn – chứ không phải nhà trường – có trách nhiệm đào tạo các KTS trẻ về những vấn đề thực tế trong hành nghề. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề tại các văn phòng thiết kế cũng được tổ chức khá đa dạng: Đại học tổng hợp (ĐHTH) Cornell gửi sinh viên sang Rome học một học kỳ; ĐHTH Cincinnati luân phiên sau mỗi học kỳ 3 tháng lại gửi sinh viên vào làm việc tại các văn phòng kiến trúc; ĐHTH Singapore hay ĐHTH Melbourne tổ chức các lớp tại Thái Lan, Indonesia,… Ngoài ra, Hiệp hội KTS Mỹ cũng thường xuyên tổ chức hội nghị bàn tròn các doanh nghiệp lớn (AIA Large Firm Roundtable) để thông tin về nhu cầu của các hãng thiết kế đến được với các trường đào tạo kiến trúc.
Tháng 10/2011 tại ĐH Kiến trúc Sheffield đã diễn ra một cuộc thảo luận thú vị về đào tạo kiến trúc với chủ đề “Các trường kiến trúc nên giải tán, trừ khi…”. Cuộc thảo luận đã đi đến một số điểm quan trọng đáng lưu ý và suy ngẫm:
– Cần trang bị kiến thức cho sinh viên ra trường có thể vận dụng không chỉ cho lĩnh vực kiến trúc – xây dựng.
– Nhận thức rõ thực tiễn đang thay đổi, nên hành trang vào đời của sinh viên không chỉ là bản vẽ các công trình tưởng tượng được diễn họa đẹp đẽ để xin việc tại các văn phòng kiến trúc.
– Khuyến khích bổ sung càng nhiều càng tốt kiến thức thuộc các chuyên ngành khác như kinh tế, nông nghiệp, kỹ thuật, chính trị, tâm lý,..
– Khuyến khích sinh viên tranh luận về thực tế đang diễn ra.
– Thay đổi cách thức đánh giá công việc – không phải chỉ có một cách duy nhất, không trao thưởng các bản vẽ giả định phi thực tế.
– Kiến trúc luôn kết nối chặt chẽ với xã hội, kiến trúc không đơn thuần chỉ là nghệ thuật.
– Mỗi người học nên tự định hình cách thức mình được đào tạo.
– Không nên ấn định sinh viên tốt nghiệp ra sẽ là người làm thuê, mà hãy chuẩn bị để họ sẵn sàng và có đủ khả năng tổ chức điều hành hiện thực hóa đồ án tốt nghiệp (nếu có điều kiện).
– Nhà trường cần tiếp tục hỗ trợ S/v sau khi tốt nghiệp, trở thành địa điểm học thuật mà họ muốn đến thường xuyên kể cả sau khi ra trường, tham gia tạo nên những thay đổi tích cực cho chính nơi trường tọa lạc.
– Nhà trường không chỉ đào tạo các thế hệ S/v mà còn phải là nơi tạo nên các thế hệ ý tưởng mới…
Một vấn đề nữa có liên quan trực tiếp đến khả năng của các trường trong việc tạo dựng, duy trì hạ tầng cần thiết cho đào tạo và tổ chức thực hiện – đó là vấn đề kinh phí. Theo khảo sát tại Mỹ, năm 2011, học phí trung bình cho bậc đại học ngành kiến trúc ở các trường công là 20.115 USD và các trường tư là 25.400 USD. ĐHTH Cornell đứng đầu danh sách Top ten có học phí lên tới 41.541USD. Bình quân, sau khi ra trường, người học phải trả một khoản nợ khoảng 36.000USD, trong khi lương năm đầu tiên của KTS vào khoảng 40.044USD. Tại Anh, khoản nợ đó sẽ vào khoảng 45.000 £ (~70.000USD). Học phí ngành kiến trúc quá cao, tiềm ẩn khả năng loại bỏ sự đa dạng của người học do nhiều đối tượng không đủ điều kiện chi trả. Ông Chủ tịch Hội KTS Hoàng gia Anh còn hài hước: “Sinh viên kiến trúc nhập học tháng 9/2012 sẽ không bao giờ đủ khả năng trả góp sau khi ra trường nếu anh ta có quyết định sai lầm lấy vợ cũng là kiến trúc sư”. Trong khi đó ở Việt Nam, bình quân học phí toàn khóa chỉ ~20 triệu đồng (4 triệu đồng / năm), còn lương năm đầu tiên của KTS mới ra trường đã là ~48 triệu đồng (4 triệu / tháng) – có nghĩa là chi phí cho đào tạo KTS ở ta đang quá rẻ mạt. Lâu dần thành ra một vòng luẩn quẩn không biết tháo gỡ từ đâu: chất lượng thấp vì không có tiền – không thu được tiền vì chất lượng thấp. Thế nên mới có tình trạng đáng buồn là các trường ĐH kiến trúc tầm cỡ quốc gia của chúng ta lại không thể hợp tác bình đẳng với một trường college nhỏ xíu của Tây, chỉ vì không có tiền cho hoạt động trao đổi sinh viên.
Nhìn lại những chuyển biến trong đào tạo KTS từ những năm 1990- trở lại đây, có thể thấy nổi lên ba vấn đề chính:
1. Mối quan hệ giữa đào tạo và hành nghề: nếu trước đây đào tạo là lãnh vực riêng của các nhà giáo thì ngày nay, các trường nhận thức rõ hiệu quả hai chiều từ việc mời các KTS thực hành tham gia giảng dạy. Kinh nghiệm thực tiễn có thể đưa đào tạo đến gần với cuộc sống hơn, nhưng cũng có thể kìm hãm sự sáng tạo của sinh viên.
2. Nhiệm vụ đào tạo trở nên khó khăn hơn khi xã hội đòi hỏi những phương thức thiết kế kiến trúc đa chiều hơn. Bên cạnh lộ trình kinh điển – đi từ công năng đến kết cấu rồi hình thức là các yếu tố nội tại, thì nhiều chương trình đào tạo đã lấy xuất phát điểm là các vấn đề bên ngoài kiến trúc như cấu trúc, địa điểm, xã hội, sinh thái, tâm lý… (chuyển từ chức năng / kỹ thuật / kinh tế sang các cách tiếp cận nhân văn). Không có phương thức nào là duy nhất đúng – có thể sẽ làm người học hoang mang mất phương hướng nhưng lại đặt ra yêu cầu, đòi hỏi sv phải có khả năng tự lập trong một “thế giới phẳng”.
3. Sự cân đối quan hệ giữa “tính toàn cầu” và “tính địa phương”, giữa quốc tế hóa và bản địa hóa: KTS có thể hành nghề tại nhiều quốc gia với những nền văn hóa khác nhau, tham gia giải quyết các vấn đề có tính bản địa tại một miền đất khác. Bởi vậy, khi các trường có thương hiệu toàn cầu rất chú trọng khai thác cái riêng thì ở các nước đang phát triển cần xây dựng nền tảng tư tưởng thiết kế từ cội nguồn văn hóa dân tộc để hội nhập mà không bị hòa tan trong quá trình hoạt động nghề nghiệp.
Tiêu chí của UIA – UNESCO và thỏa thuận Canbera Accord
Với nhận thức đầy đủ về trách nhiệm pháp lý của KTS đối với môi trường – xã hội, sự cần thiết phải đa dạng hóa nội hàm của hoạt động nghề nghiệp và do vậy, giáo dục và đào tạo kiến trúc cũng phải đa dạng hóa, Hội liên hiệp KTS quốc tế và tổ chức UNES|CO đã công bố Hiến chương về đào tạo KTS lần đầu vào năm 1998 và rà soát năm 2005. Trong đó, xác định 11 nội dung cơ bản mà đào tạo kiến trúc phải bao hàm được và chỉ ra ba nhóm lĩnh vực mà người học sau khi tốt nghiệp cần phải nắm bắt (gồm: thiết kế; kiến thức về văn hóa, nghệ thuật, xã hội, môi trường, kỹ thuật, sáng tác, khả năng hành nghề; kỹ năng).
Trên nền tảng đó, tháng 4/2008, 8 tổ chức kiểm định công nhận đào tạo KTS của thế giới (gồm CAA – Australia, CACB – Canada, COMAEA – Mexico, KAAB – Hàn Quốc, NAAB – Mỹ, NBAA – Trung Quốc, RAIA – Australia, RIBA – Anh) đã thống nhất ký kết thỏa thuận chung gọi là Canberra Accord, bắt đầu áp dụng đối với sv nhập học từ tháng 01/2010 [3]. Theo đó, sv sau khi tốt nghiệp ra trường phải nắm vững các năng lực:
1. Áp dụng các kiến thức đã thu nhận được vào việc thiết kế, vận hành và cải thiện các hệ thống, tiến trình và môi trường.
2. Hình thành và giải quyết các vấn đề kiến trúc tổng hợp, phức tạp.
3. Hiểu rõ và giải quyết được các tác động về môi trường, kinh tế và xã hội của công trình kiến trúc.
4. Có thể trao đổi hiệu quả với khách hàng, cộng đồng.
5. Khuyến khích quá trình học tập suốt đời và phát triển nghề nghiệp sau khi ra trường.
6. Hoạt động phù hợp với các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của KTS.
7. Ủng hộ và phát triển tốt hơn các môi trường dành cho con người trong xã hội đương đại.
Để được công nhận đạt chuẩn, cơ sở đào tạo phải đăng ký với một trong các tổ chức nói trên để đánh giá cấu trúc và nội dung chương trình, cơ sở vật chất cho đến chất lượng thực tế của đồ án sv trong một số năm liên tiếp, sau đó kiểm định theo định kỳ để đảm bảo quản lý và duy trì chất lượng đào tạo. Hiện nay chưa có trường nào ở Việt Nam tham gia hệ thống kiểm định quốc tế, mới chỉ vài trường nhận được sự công nhận song phương của 1-2 trường đối tác cho những dự án đào tạo cụ thể. Đó là một thiệt thòi lớn cho các KTS Việt Nam trong quá trình hội nhập khi sắp tới đây sẽ thực hiện việc cấp chứng chỉ KTS ASEAN.
Lời kết
Ba vấn đề của đào tạo KTS trên thế giới nêu trên cũng không phải ngoại lệ đối với Việt Nam. Ngoài ra chúng ta còn phải đào tạo trong điều kiện khó khăn: thiếu thốn cơ sở vật chất (phòng học, thí nghiệm, xưởng mô hình, thư viện,..), bất cập về ngoại ngữ trong khai thác tư liệu, đặc biệt là quan điểm và triết lý đào tạo không rõ ràng, có ảnh hưởng đáng kể đến lượng và chất của kiến thức và năng lực mà sv được trang bị. Tuy vậy, đào tạo KTS ở Việt Nam có những lợi thế đặc thù: Công tác đào tạo được thực hiện trong một môi trường văn hóa có bề dày truyền thống với những giá trị đặc trưng. Chúng ta đã áp dụng mô hình xưởng trong đào tạo KTS cũng là nền tảng của nhiều chương trình đào tạo kiến trúc tiên tiến trên thế giới. Đội ngũ giảng viên cũng đồng thời tham gia tích cực trong công tác tư vấn thiết kế. Chúng ta cũng đang được hưởng lợi thế về thông tin trong xã hội internet hiện nay.
Nhiều diễn đàn khác nhau về đào tạo KTS đã khẳng định sự cần thiết đổi mới căn bản cách đào tạo kiến trúc. Điều quan trọng là cần có quyết tâm cao độ và sự kiên trì để có thể xây dựng được những bước đi lôgíc, đúng đắn, phù hợp với xu hướng chung trên thế giới cũng như nhưng đặc thù và điều kiện của mỗi trường, đưa hệ thống đào tạo kiến trúc của các trường đạt chuẩn theo sự công nhận và kiểm định của quốc tế nhưng đồng thời vẫn phát huy được sắc thái đặc trưng mà mỗi cơ sở đào tạo đã và đang tạo dựng.
TS.KTS Nguyễn Trí Thành – TS.KTS Trần Quốc Thái
Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam